Rechercher dans ce blog

jeudi 11 octobre 2012

cua gái

Tìm từ "cua gái" trên mạng www.google.com, có tới 522.000 kết quả trong vòng 0,31 giây đồng hồ, chứng tỏ nó còn rất thông dụng trong tiếng Việt. Gặp cả một từ đi đôi với nó: "cưa trai", chưa nghe tới bao giờ, nhưng cũng đoán ra được nghĩa.

Theo Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ (Nhà xuất bản TP HCM, 1993):

cua (<nói tắt>, faire la cour, tiếng Pháp) Tán tỉnh, theo đuổi ve vãn phái nữ. Cả ngày chỉ biết cua gái.



tranh vẽ Internet

Nhưng vì sao từ chữ Pháp "cour", lại có thành ngữ "faire la cour" (tán tỉnh, ve vãn) thì ngay cả người Pháp chưa chắc ai cũng đã biết. Trong sách "Dans le jardin des mots" của bà Jacqueline de Romilly (1) có một bài
giải thích khá thú vị.

Chữ "cour" đầu tiên là chỉ cái sân nhà.
Ở nhà quê, một chỗ nhỏ thấp trong sân thường dành để nuôi gà vịt, nên có từ "basse-cour". Ở lâu đài, tất nhiên sân phải to lớn: người ta gọi là "cour d'honneur" (sân danh dự).

Ngày xưa, thời còn lãnh chúa, các chư hầu (vassal) hội họp trong sân lãnh chúa để nhận mệnh lệnh hoặc phân xử. Do đó chữ "cour" mang thêm một nghĩa cao hơn, nghĩa là tòa án (tribunal). Tiếng Pháp từ đó có thêm những từ ngữ như: "Cour de cassation" (Tòa phá án), "Haute Cour de justice" (Cao đẳng pháp viện), v.v.

Nhưng các lãnh chúa hẳn nhiều quyền hành thế lực, cũng như các ông vua về sau, có lắm người bao quanh cung kính, vâng lời, hầu hạ, mà cũng để mong chờ tước vị. Tiếng Pháp chỉ chung những người này thuộc vào sân chầu ("appartenir à la cour", "faire partie de la cour"). Người Pháp nói "faire sa cour au roi" là theo nghĩa đó.

Dần dà, thành ngữ này lan rộng sang lãnh vực ái tình. Và khi các ông nói "faire la cour" thì có nghĩa là "làm xiêu lòng, quyến rủ" một người đàn bà, tức là "cua gái" vậy.



Ghi chú

 (1) Jacqueline de Romilly (1913-2010): Chuyên gia Văn minh và Ngôn ngữ Hy Lạp, nhà văn, giáo sư ở Collège de France, thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp. Dans le jardin des mots là nhan đề cuốn sách tập họp khoảng 200 bài đăng trên báo Santé Magazine (từ năm 1998 đến năm 2006), trong mục "Santé de la langue", gồm những nhận xét, lời bình chuyên về ngôn ngữ Pháp.



2 commentaires:

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.