Rechercher dans ce blog

jeudi 22 janvier 2015

Bùi Giáng đọc thơ Phạm Hầu


Lời dẫn: Trong bầu không khí ngột ngạt của tiếng Việt hôm nay, không khỏi khao khát thở lại những vần thơ trong sáng cũ.


Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai


Đó là hai câu thơ cuối bài “Vọng Hải Đài”. Đó cũng là bầu khí hậu mênh mang sầu cô độc bàng bạc khắp mấy bài thơ của Phạm Hầu còn rơi rớt lại chúng ta ngày nay.

“Chúng tôi đã cố công sưu tầm nhưng chỉ được đãi ngộ sáu bài thơ. Âu cũng lấy đó là niềm vui vậy.” (Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)

Hai ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng đã viết một bài hoàn hảo về Phạm Hầu.

Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ơi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài


Kể từ ngày gặp Phạm Hầu trong Thi Nhân Việt Nam (của Hoài Thanh Hoài Chân) tới nay đã ngót một phần tư thế kỷ. Thằng học sinh đầu xanh nay tóc đã bạc. Nó xin đọc ôn lại thơ Phạm Hầu.

Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng giằng co trong tử biệt


Phạm Hầu viết những lời như thế thuở ông hai mươi mấy tuổi đầu. Hai mươi mấy tuổi mà dường như đã có đủ trong hồn một trăm năm đạo hạnh. Ông đi vào thi ca, nghệ thuật, với tâm hồn con người thanh tu đạt đạo. Người thanh niên ấy đã biết khước từ hết mọi thứ “dưỡng chất trần gian” và âm thầm gửi cho trần gian một chút tặng vật nho nhỏ.

Ngờ đâu tặng vật nho nhỏ kia lại khổng lồ như một Kim Tự Tháp nằm giữa sa mạc mênh mông để ghi lại ngấn tích một nền văn minh huyền ảo nhất thế gian.

Ông là con nhà thế phiệt trâm anh. Ông được kế thừa “y bát” của phụ thân Phạm Liệu. Y bát chân truyền kia đã đặt toàn khối văn học tư tưởng Trung Hoa tới đứng trước trận gió Tây Phương thổi lại. Thơ Phạm Hầu từ đó là cái vùng kết tinh của hai thể tinh văn minh. Hai văn minh đang gặp gỡ nhau, gùn ghè gắn bó hay tương tranh tiêu diệt nhau chơi? Chẳng rõ. Nhưng cái Tại Thể Thi Nhân của Phạm Hầu đã chịu hiến dâng thân mình ra làm Trường Sở Trụ cho cuộc cơn kia. Ông chấp thuận cuộc hôn phối cũng như cuộc giằng co. Và đem thân mình làm chiếc dương cầm cho ngân lên những cung bậc mênh mang chưa từng thấy trong văn chương kim cổ.

Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng giằng co trong tử biệt


Trong Thi Ca Tiền Chiến, đã có một Xuân Diệu làm người thanh niên ráo riết, một Huy Cận làm người thanh niên ngậm ngùi, một Hàn Mặc Tử làm người thanh niên đau khổ cực độ, Chế Lan Viên làm người chứng nhân cho điêu tàn, Hồ Dzếnh làm người đề huề giao hảo…lại thêm một Phạm Hầu làm người nghệ sỹ cao vời trang trọng mang một thánh tính u u ẩn ẩn như Nerval. Phạm Hầu mở ra trở lại chân trời bát ngát của Nguyễn Du trong giai đoạn cuối buổi Hoàng Hôn. Ông nói ít hơn Nguyễn Du, ông không đi vào giữa những thiên vạn thể của biển dâu, ông chỉ đơn sơ có mấy lời, nhưng mấy lời đào sâu khôn tả trong mạch giếng tân thanh. “Mãi Dâng Trọn Hồn Vui” là một kỳ tác muốn chìm sâu xuống mạch thẳm sinh tồn. Rồi khi ta cũng chịu ngập mình xuống đáy thẳm kia, thì kỳ tác nọ bỗng hiện thị như một Tòa Cổ Tháp nguy nga. Xin chép hết ra đây bài thơ đấy.

Mãi dâng trọn hồn vui

Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng giằng co trong tử biệt

Tiếng rên siết giờ tàn khi chấm hết
Cảnh thường xuyên đêm sáng đổi thay màu
Tim nhói lên nức nở những Ban Đầu
Những giờ cuối rơi rơi thầm tuyệt vọng

Hay đời hỏi thịt êm và tủy nóng
Tôi xin nằm yên ổn cả chân tay
Nắng có lên không mượn rợp cây bày
Mưa có xuống thêm băng hàn chút nữa

Trong đầy ải mình trần tê ngọn lửa
Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn
Nếu tôi đau mà người nhẹ căm hờn
Chắc hoa núi vui lay ngàn đóa mộng

Muôn miệng thắm tươi nụ cười hé rộng
Muôn chân say lay động khúc quân thiều
Nếu tôi đau mà người được tin yêu
Trang sách nhỏ nâng niu hồn xứ lạ

Trên đệm thúy hoa nô liều áp má
Đôi bạn đời tay dính nhựa a-giao
Nếu tôi đau, Trời đẹp! Nếu tôi đau
Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau.


Jesus Christ lúc lên Calvaire, ắt Ngài cũng âm thầm nguyện cầu như lời đó. Ngài đã về giữa bụi hồng, rửa chân cho bụi hồng nhân gian, bây giờ Ngài vĩnh biệt nhân gian, bây giờ Ngài vui lòng vĩnh biệt, và lời chúc phúc tối hậu của Ngài hẳn nhiên là: bụi hồng ở lại hãy tiếp tục rửa chân cho nhau.

Còn Như Lai? Như Lai ỡm ờ niêm hoa vì tiếu: – “Ta có thấy bụi hồng nào đâu? Ta đâu nào thấy đâu có bàn chân chi đâu mà rửa với chẳng rửa? – Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà?...”

Như Lai có cái tài tình trong phép đánh trống lảng. Đọc mấy bộ kinh Phật, ta xin xóa hết những nhan đề “Kim Cương Kinh, Bát Nhã Kinh, Bà Là Mật Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Pháp Hoa Kinh, Diệu Hoa Kinh, Huyễn Hoa Đệ Nhị Kinh, Ảo Hoặc La Treizième Kinh…” Xóa hết và chép lại là: “Như – Lai – đích – đánh – trống – lảng – tài – tình – tuyệt – kỹ - kinh.



Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7165&rb=08

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.