Rechercher dans ce blog

mercredi 24 octobre 2012

bức xúc

Nhớ hồi sau 1975, khi từ "bức xúc" mới bắt đầu tràn ngập ở Việt Nam, nhiều người dân tị nạn ở nước ngoài rất bực bội, đua nhau kêu la, gọi là "tiếng Việt Cộng" và tẩy chay không dùng từ này.


Hôm nay (24.10.2012), thử tìm trên www.google.com, thấy ngay 12.400.000 kết quả.

Xin ghi ra đây vài thí dụ tiêu biểu:

  • Thái Hà khẳng định không dùng hàng nhái. Người đẹp bức xúc khi bị cho là nhiều lần đeo túi và mặc váy nhái đi sự kiện.
  • (Phunutoday) - 10 bức ảnh Mai Phương Thúy mặc áo dài khoe nét xuân thì được đăng tải gây tranh cãi nảy lửa về chuyện Thúy dâm hay không dâm tục,  (...) - Bức ảnh khiến cư dân mạng bức xúc nhất.
  • Bức xúc vì xe buýt 'nhồi' khách - 10/16/2012 - Báo Tin tức
  • Bệnh viện “vênh” nhau, bệnh nhân bức xúc | ANTĐ - Báo điện tử ...
  • Lý Nhã Kỳ bức xúc khi bị chỉ trích mặc xường xám - Giải trí - Dân trí
  • Cử tri bức xúc về tái định cư và ô nhiễm môi trường - Xã hội - Dân trí
  • Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý. (...)  giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc...

Suy theo văn mạch, thì cũng đoán được những ý nghĩa khác nhau của từ "bức xúc".

Nhưng tra trong vài từ điển quen thuộc, không thấy từ này.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt (1998):
bức xúc <tính từ> Cấp bách, cần kíp, yêu cầu phải giải quyết ngay: vấn đề bức xúc nhiệm vụ bức xúc.

Từ này rõ ràng mượn của tiếng Hoa " bī cù 逼促(偪促)". Tra trong từ điển Tàu Hán Ngữ Đại Từ Điển, tìm được hai nghĩa: 1) Chật hẹp. 2) Thôi thúc, bức bách.

Ta thấy rằng các định nghĩa ghi trên không giải thích cái nghĩa rất thường dùng ngày nay, nghĩa là: bực bội, khó chịu, nhức nhối, bứt rứt, v.v.

Gần đây, các nhà nghiên cứu về chữ Việt cổ đã bắt đầu tìm ra nhiều chứng cứ cho thấy tiếng Việt là một thứ tiếng có từ rất lâu đời, khác với Hán ngữ. Ngay cả sự có mặt của chữ Nôm từ non ngàn năm nay, cũng là một chứng minh cụ thể. Thực vậy, chữ Nôm chẳng qua là một thứ chữ viết, dùng các thành phần hoặc nét chữ Hán, để ghi chép tiếng Việt. Nhưng sau cả nghìn năm Bắc thuộc, chữ Hán vẫn giữ địa vị độc tôn và chỉ mất thế lực sau gần một trăm năm đô hộ Pháp. Đó là lý do tại sao nhiều học giả xưa nay vẫn nói tới một thứ tiếng gọi là "Hán Việt". Hơn nữa, có người dám cả quyết cho rằng tiếng Việt cũng chỉ là tiếng Tàu. 

Xin đọc thêm ở đây: 4000 NĂM RÒNG RÃ BUỒN VUI

Trình bày dài dòng như thế, để thấy rằng một thứ tiếng bị áp đặt lâu ngày, người dân nói riết rồi quen đi, không còn biết nhiều từ chỉ là tiếng của người nước ngoài đồng hóa.

Sau 37 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, có ai còn tự hỏi từ đâu người Việt ngày nay cứ xoen xoét trên đầu môi chót lưỡi hai chữ "bức xúc"; báo chí, sách vở, đài truyền thanh, truyền hình cũng ra rả hằng ngày hai chữ đó.

Thời sự

Sau đây là nguyên văn hai bản tin (có dùng từ "bức xúc") để tham khảo:

Đọc xong bức xúc đừng hỏi :(( tội nghiệp ông già :((

Một ông lão lượm ve chai bất cẩn va quẹt vào hai mẹ con đang đi trên đường, khiến chiếc quần jean của cô con gái
bị rách khoảng 2 - 3 cm. Hai mẹ con nhìn ông lão nói với giọng hằn học cay cú :
- Ông hãy đền tiền cho tôi, 500 nghìn. Ông lão vét hết tiền trong túi, nhưng chỉ có 22 nghìn và năm trăm đồng cũ nát. Người phụ nữ đó không chấp nhận, tay nắm lấy chiếc áo rách tồi tàn của ông lão, miệng không ngừng la hét : - Mau đền tiền đây ! Ông khóc trong nước mắt, quỳ lạy van xin hai mẹ con, trên tay ông vẫn còn giữ lấy 22.500 của mình. Hai mẹ con vẫn không động lòng và buông tha. Mọi người xung quanh bất bình, chỉ trích họ : - Chỉ rách một lỗ nhỏ, đừng vì thế mà làm khó dễ người ta. Hãy tha thứ cho ông lão. Người phụ nữ đó nói: Mặc kệ ổng ! Nhìn ông lão đứng lên rồi lại quỳ xuống những mười lần, mọi người xung quanh đều hết lòng khuyên can, nhưng
người phụ nữ đó không đối hoài tới, kiên quyết bắt ông lão bồi thường cho bằng được. Một người đàn ông đứng gần đó rất bức xúc :
- Đối xử với một người già cả như vậy, thật là khinh thường người quá mức. Và từ trong túi quần lấy ra 50 nghìn nhét vào tay ông lão. Mọi người xung quanh thấy vậy, đều lấy tiền ra giúp ông lão tội nghiệp ấy. Một đồng, hai đồng, mười đồng … cuối cùng đã đủ 500 nghìn. Ông lão quỳ lạy mọi người và không ngừng nói : Cám ơn, cám ơn …… Người phụ nữ đó nhận xong tiền, bỏ lại tờ 500 đồng cũ nát, một câu không nói bèn nắm lấy tay con gái bước đi. __________________________- Nếu bạn thấy khó chịu với hành động này của người phụ nữ kia xin hãy
share cho mọi người.


Thứ bảy 25/08/2012 19:53
Trung Quốc: Những vụ sập cầu khi các phương tiện đang lưu thông

Cầu đường sắt Thạch Đình, Tứ Xuyên sập
(GDVN) - Vụ sập cây cầu lớn nhất vùng đông bắc Trung Quốc ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang sáng 24/8 vừa qua khiến 3 người chết và 5 người bị thương khiến nhiều người dân nước này vô cùng bức xúc trước chất lượng xây dựng các công trình giao thông Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sập cầu, mà lại là cầu mới đưa vào sử dụng được 18 tháng. Báo chí Trung Quốc ngày 25/8 đăng tải hình ảnh một loạt vụ sập cầu xảy ra ở quốc gia này trong những năm gần đây, cho thấy chất lượng công trình cầu đường của Trung Quốc cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ mới mong hạn chế những tai nạn bất ngờ như vậy.


Lời bàn "tiếng Việt"

Bài viết thứ nhất không phải là của một cơ quan nhà nước. Điều đáng chú ý là, trong hai lần, tác giả bản tin đã dùng tiếng Việt rõ ràng dễ hiểu tương đương với từ "bức xúc":

"Chỉ rách một lỗ nhỏ, đừng vì thế mà làm khó dễ người ta."
"Nếu bạn thấy khó chịu với hành động này của người phụ nữ kia..."


jeudi 11 octobre 2012

cua gái

Tìm từ "cua gái" trên mạng www.google.com, có tới 522.000 kết quả trong vòng 0,31 giây đồng hồ, chứng tỏ nó còn rất thông dụng trong tiếng Việt. Gặp cả một từ đi đôi với nó: "cưa trai", chưa nghe tới bao giờ, nhưng cũng đoán ra được nghĩa.

Theo Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ (Nhà xuất bản TP HCM, 1993):

cua (<nói tắt>, faire la cour, tiếng Pháp) Tán tỉnh, theo đuổi ve vãn phái nữ. Cả ngày chỉ biết cua gái.



tranh vẽ Internet

Nhưng vì sao từ chữ Pháp "cour", lại có thành ngữ "faire la cour" (tán tỉnh, ve vãn) thì ngay cả người Pháp chưa chắc ai cũng đã biết. Trong sách "Dans le jardin des mots" của bà Jacqueline de Romilly (1) có một bài
giải thích khá thú vị.

Chữ "cour" đầu tiên là chỉ cái sân nhà.
Ở nhà quê, một chỗ nhỏ thấp trong sân thường dành để nuôi gà vịt, nên có từ "basse-cour". Ở lâu đài, tất nhiên sân phải to lớn: người ta gọi là "cour d'honneur" (sân danh dự).

Ngày xưa, thời còn lãnh chúa, các chư hầu (vassal) hội họp trong sân lãnh chúa để nhận mệnh lệnh hoặc phân xử. Do đó chữ "cour" mang thêm một nghĩa cao hơn, nghĩa là tòa án (tribunal). Tiếng Pháp từ đó có thêm những từ ngữ như: "Cour de cassation" (Tòa phá án), "Haute Cour de justice" (Cao đẳng pháp viện), v.v.

Nhưng các lãnh chúa hẳn nhiều quyền hành thế lực, cũng như các ông vua về sau, có lắm người bao quanh cung kính, vâng lời, hầu hạ, mà cũng để mong chờ tước vị. Tiếng Pháp chỉ chung những người này thuộc vào sân chầu ("appartenir à la cour", "faire partie de la cour"). Người Pháp nói "faire sa cour au roi" là theo nghĩa đó.

Dần dà, thành ngữ này lan rộng sang lãnh vực ái tình. Và khi các ông nói "faire la cour" thì có nghĩa là "làm xiêu lòng, quyến rủ" một người đàn bà, tức là "cua gái" vậy.



Ghi chú

 (1) Jacqueline de Romilly (1913-2010): Chuyên gia Văn minh và Ngôn ngữ Hy Lạp, nhà văn, giáo sư ở Collège de France, thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp. Dans le jardin des mots là nhan đề cuốn sách tập họp khoảng 200 bài đăng trên báo Santé Magazine (từ năm 1998 đến năm 2006), trong mục "Santé de la langue", gồm những nhận xét, lời bình chuyên về ngôn ngữ Pháp.



mardi 9 octobre 2012

duy ý chí

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam (SEV), trả lời phỏng vấn trên trang web Sài Gòn Tiếp Thị về đề tài phát triển "công nghệ thông tin" đồng thời đưa ra một "bài học Hàn Quốc" cho các nhà doanh nghiệp và lãnh đạo Việt Nam: xem cả bài <ở đây> http://sgtt.vn/Loi-song/Index.html, sgtt.vn, 09.10.2012.

Sau khi cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của rất nhiều từ "tiếng Việt 1975" trong bài (phần 1), ta sẽ rút tỉa một số lời khuyên sâu sắc của ông Nguyễn Văn Đạo (phần 2).


tranh vẽ Internet

Phần 1

Danh sách những từ "tiếng Việt 1975"
(một số từ này đã được phân tích <ở đây>):

duy ý chí (xem ghi chú (1) ở dưới)
công nghiệp
cụm phức hợp
chuỗi cung ứng
doanh nhân
tập đoàn
công ty con
năng lực thiết kế
bộ phận người tiêu dùng
công nghệ thông tin
tương tác
cuộc đua Thể thức một
khủng hoảng khu vực
tiếp thị
người tinh hoa
kéo gói đầu tư
hình thức liên doanh
sự cố
quy trình xử lý khủng hoảng
mạng xã hội
chất lượng
hàng xách tay
phản biện
biên giới mềm
tái cơ cấu
cheabol
vật tư linh kiện
kỹ năng mềm
giá thành


Phần 2

Tóm lược những lời phê bình của ông Nguyễn Văn Đạo:

  • ... Mình hay thích danh hão, bù loong con tán chưa làm xong mà đòi máy tính thương hiệu Việt.
  • ... Khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp tục kể cả ở Mỹ và châu Âu. Việt Nam càng nặng hơn vì nền tảng tài chính không cơ bảnđôi khi không trong sạch khiến tình hình rối loạn. Rối loạn lớn nhất là tài chính dính kèm theo thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Những người giàu tài chính cũng không công khai, chỉ nhìn cái có mà không nhìn cái nợ, đến khi sụp ngang mới biết dựa trên cái ảo.
  • ... chỉ lo kiếm ăn nhanh bằng cách đầu tư hết vào bất động sản, chứng khoán.
  • ... trước tiên phải trung thực, xây dựng bài bản trên sức mạnh của mình, đừng tham vọng đi đường tắt, dùng thủ thuật.
  • ... không được nói dối. Nếu nói sai sự thật sẽ không sửa được.
  • ... Công nghiệp phụ trợ đòi hỏi đầu tư rất cơ bản, nhiều tiền, thời gian hoàn vốn lâu.
  • ... Phải có chất lượnggiá thành tốt mới cạnh tranh được với người ta chứ.
  • ... Tôi học được sự quyết tâm của người Hàn Quốc, một quyết tâm sắt đá, đã quyết là làm bằng được nhưng không duy ý chí. Họ cho tôi thấy thực ra người Việt chưa đánh giá đúng khả năng, sức mạnh tiềm ẩn của chính mình.
 
Lời bàn "tiếng Việt"

Là một nhân viên thuộc cấp lãnh đạo của một công ty "công nghiệp thông tin" lớn bậc nhất trên thế giới ngày nay, những lời khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Đạo hẳn là xác đáng.

Theo ông, có những nguyên nhân chính cho những thất bại về phát triển kinh tế Việt Nam như sau:

Thứ nhất, người Việt Nam có rất nhiều khuyết điểm gần như cố hữu: nói dối, không công khai, thích danh hão, chỉ lo kiếm ăn nhanh, tham đi đường tắt, dùng thủ thuật, v.v. Nhất là, không bằng người Hàn Quốc, người Việt Nam thiếu quyết tâm và mắc "bệnh duy ý chí" (1).
 

Thứ hai, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang tiếp tục (2012), kể cả ở Mỹ và châu Âu, tình huống kinh tế Việt Nam càng rối loạn vì nền tảng tài chính không cơ bản và đôi khi (sic) không trong sạch.

Tuy nhiên, những lời phê bình gay gắt và can đảm này, có cảm tưởng như nghe đã lâu rồi. Từ gần nửa thế kỷ nay, trước những thất bại về bất cứ phương diện nào, trước đây ông Phạm Văn Đồng và sau này các ông thủ tướng kế tiếp chỉ có một câu trả lời không đổi: "Sai lầm quản lý của cấp thừa hành".

Trước trào lưu tiến bộ của nhân dân thế giới, bột phát từ cuối thế kỷ XX cho đến bây giờ (như ở Miến Điện năm vừa qua chẳng hạn), đứng lên đòi hỏi quyền làm người, dân chủ và tự do
tức là có được những điều kiện tiên quyết dẫn đến ấm no hạnh phúc người dân.

Thật vậy, cùng là người nước Hàn, mà Nam Hàn đã trở nên giàu mạnh, còn Bắc Hàn vẫn lạc hậu, cuồng tín, không có áo mặc cơm ăn.

Trong khi đó thì Nhà nước Việt Nam vẫn khăng khăng nhắm tới "định hướng xã hội chủ nghĩa", coi là con đường lý tưởng cho "sự nghiệp cứu nước và dựng nước".

Đây mới là căn bệnh bao nhiêu năm chẳng khỏi của dân Việt.
 


Ghi chú:

(1) Duy ý chí
luận, tiếng Hoa:  唯意志論, tiếng Pháp: volontarisme
(nguồn: http://fr.wikipedia.org/wiki/Volontarisme)

"Bệnh chủ quan duy ý chí và bệnh bảo thủ trì trệ  là những sai lầm khá phổ biến ở nước ta trong thời kỳ trước đổi mới và nhiều nước XHCN trước đây, nó gây tác hại nghiêm trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc tìm hiểu nguyên nhân, những biểu hiện của 2 căn bệnh này trên cơ sở lý luận triết học về mối quan hệ vật chất và ý thức để tìm ra những giải pháp khắc phục và tránh những sai lầm của nó trong thực tiễn là vấn đề hết sức cần thiết đối với Đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà đất nước đang đứng trước những thử thách lớn lao của thời đại, hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải không ngừng đổi mới và không cho phép mắc phải những sai lầm như đã có trước đây."

Nguồn: up.hanhchinh.com.vn/.../vande1.doc


lundi 8 octobre 2012

văn quốc ngữ

Phạm Quỳnh (1892-1945)
 
Cái vấn đề quan trọng nhất trong nước ta hiện nay là cái vấn đề văn quốc ngữ. Cái vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn được thì người nước Nam mới có thể thâu thái các khoa học mới mà gây được một nền học thích hợp với trình độ, với tinh thần dân ta. Đến ngày ấy thì nước ta mới phát biểu được tinh thần cốt cách của mình, tinh thần cốt cách ấy hiện nay còn mập mờ phảng phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại, văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta mới không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy.



Trách lịch sử cũng không bổ ích gì, mà làm án tiền nhân lại là phạm tội bất hiếu. Vậy ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ tàu nên lãng bỏ tiếng nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe, ngoài những câu nhật dụng tầm thường. Ta chỉ nên xét hiện tình mà khuyên quốc dân chú ý vào một cái vấn đề rất là quan trọng cho cuộc tương lai nước nhà.

Hiện nay ai cũng rõ rằng chữ quốc ngữ là tiện lợi, so với chữ tây, chữ nho, học vừa dễ mà nhanh, nhưng cũng vì thế mà coi thường coi khinh, cho là không đáng công học, không biết rằng chữ quốc ngữ ấy chính là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.

Ôi! Có nước mà không có tiếng nói, còn gì khổ bằng! Trong khi họp tập, năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết tha, kể những điều tâm sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu chữ tàu, thì cực biết bao nhiêu! Viết một bức thư là sẻ tấm lòng cho kẻ yêu người mến, nhời đi cảm tình cũng phải đi theo, thế mà diễn cái cảm tình ấy ra cũng không thể dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ, thì thảm dường nào!

Ấy cái hiện tình như thế. Phàm những người có chí ai là người đoái nghĩ đến?

Những người nhiệt thành về tây học thì ước cho tiếng tây thông dụng cả trong nước, lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng ta, không những trong khi học hành mà đến cả trong khi chuyện trò bàn bạc nữa, không biết rằng sự "đổi óc" ấy là thuộc về nhẽ tự nhiên không bao giờ thành được. Dù có thể thành được nữa cũng lại là một sự không nên ước lắm. (...)


Đến những nhà cựu học thì tuy ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là giữ cái "yếm thế chủ nghĩa" cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn mỏi đi, không thể cứu vớt được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình thế tất nhiên, không hề nghĩ đến tiền đồ sự học, tựa hồ như quay mặt cả về ký vãng mà ngoảnh lưng lại với tương lai vậy. (...)


Như thế thì cả quốc dân không hề lưu tâm đến cái vấn đề tâm huyết, là cái vấn đề chữ quốc ngữ, cả quốc dân không hề tự hỏi: một nước có thể không có quốc văn được không? Một nước muốn mưu sự sinh tồn tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không? (...)

Phạm Quỳnh (1892-1945)

(Văn quốc ngữNam Phong, số 2 tháng Tám, 1917)




Lời bàn "tiếng Việt"

Tiếng nói của một dân tộc phản ánh lịch sử và xã hội của dân tộc đó.

Công trình của Phạm Quỳnh là đã "luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới." (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).


Tiếp theo Phạm Quỳnh (cùng những học giả tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh...) là phái Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ mới (1930-1945). "Phái ấy (Tự Lực Văn Đoàn) lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giản, khiến cho nhiều người thích đọc." (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).

Từ 1945 đến 1975, tiếng Việt biến hóa theo hai hướng khác nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền chính trị tuân theo ý thức hệ Mác-xít. Còn miền Nam, trái lại, phát triển theo con đường tự do dân chủ.

Trong thời kỳ này, rõ rệt nhất là từ năm 1954 (sau ngày đất nước bị chia đôi), mặc dù nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam luôn luôn bị chế độ miền Bắc xâm lấn lũng đoạn, cho tới khi thua trận hoàn toàn năm 1975, nền văn học nghệ thuật miền Nam đã tỏ ra phong phú và đầy nhân bản. Trong suốt thời gian đó, nhân dân miền Bắc hoàn toàn bị bưng bít trong một chế độ độc đảng chuyên chế.

Chế độ chuyên chế này xâm nhập khắp cõi nước non kể từ 1975, tiếng nói người Việt từ đó thay đổi rất nhiều, với những đặc điểm như sau.

  • Hàng loạt những từ 100% tiếng Hoa rập khuôn chuyên chế xã hội chủ nghĩa Trung Quốc (thí dụ: xử lý, cải tạo, đăng ký, hộ khẩu) hoặc có chiều hướng đồng hóa tiếng Việt với tiếng Hoa (thí dụ: X-quang, bức xúc, sự cố). Rất nhiều từ ngữ chính thức nhà nước dùng trong pháp luật, nghị định, hiến pháp, kinh tế... chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, trở thành những sáo ngữ rỗng nghĩa hoàn toàn. Thí dụ: dân chủ, đồng chí, chỉ tiêu, pháp quyền, cách mạng, nhân văn, văn minh, tiến bộ.
  • Hàng loạt những từ tạp chế từ những [thành phần tiếng Hoa] hoặc [không phải tiếng Hoa] xuất hiện rất bừa bãi (thí dụ: cẩu tặc, da liễu, bếp trưởng).
  • Rất nhiều từ ngữ cũ mang thêm những ý nghĩa mới, thường là nghĩa xấu (thí dụ: đại gia, chân dài, cơm trắng). Chúng nói lên sự đổ vỡ suy sụp về mọi mặt của xã hội Việt Nam.
  • Sự xuất hiện của nhiều từ mới tạo: Không kể những từ mới tạo để đáp ứng nhu cầu tiến bộ về khoa học kỹ thuật, người ta còn nhận thấy đẻ ra nhiều từ hoặc thành ngữ rất kì lạ, không tuân theo một ngữ pháp hoặc chủ ý nào rõ rệt. Thí dụ: hiện tượng ngôn ngữ "sát thủ đầu mưng mủ" xuất hiện mấy năm vừa qua (đã bị nhà nước cấm đoán, nhưng hiện vẫn còn tìm đọc được sách ở đây).

"Tiếng Việt 1975" biểu hiện những biến chuyển về lịch sử và xã hội của người dân Việt ngày nay như thế đó.





lundi 1 octobre 2012

nhặt lá bàng


Tác giả: Nhất Linh (1905-1963)


Dương Quảng Hàm: "Phái ấy (Tự Lực Văn Đoàn) lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giản, khiến cho nhiều người thích đọc." (Việt Nam văn học sử yếu)


Ở ngoài, có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đường mau hơn.

— Gió lên... gió nữa lên.

Tiếng nói của một đứa bé, và tiếng cười giòn tiếp theo làm tôi ngạc nhiên. Tôi viết nốt một đoạn rồi chạy ra cửa sổ nhìn xuống, nhưng không nom thấy rõ, chỉ thấy bóng chấn song và bóng người tôi in trên đường nhựa.



Tôi vội tắt đèn trong phòng đi.

Trên đường khô ráo, tôi ngạc nhiên không thấy chiếc lá rụng nào. Tôi vẫn biết có những người đi nhặt lá khô bán lấy tiền; họ chờ đợi rồi hôm nào lá đã chín lại có gió to, họ đem rổ, đem thúng, lũ bảy lũ ba chia nhau các phố tới tấp quét lượm. Ban ngày tôi đã nhiều lần nhìn ngắm cảnh tượng đó. Nhưng tôi không ngờ đâu, đêm khuya lạnh, họ ngồi ở ngoài gió để chờ nhặt từng cái lá một. Tôi cũng đứng lặng yên ở của sổ đợi cơn gió đến.

Lại có tiếng lúc nãy nói:

— Lại ngồi sau gốc cây này khuất gió đỡ lạnh.

Một tiếng khác trả lời:

— Lạnh chẳng tại gió, làm gì có gió lúc này.

— Khi nào có gió thì lạnh ghê.

— Chuyện, không có gió thì lá đã không rụng...

Yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng tức bực:

— Mãi không có gió.

Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi; đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé, ở sau gốc cây bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em — tôi đoán là hai chị em — chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.

Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.

— Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.

— Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ... Thằng nỡm.

Tôi mỉm cười vì sao chị không mang chổi đi. Tôi mỉm cười vì con bé mắng một cách thông thạo lắm: lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, vừa nhặt vừa reo.

— Gió lên... lạy giời gió nữa lên.

Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đường chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa tỏa trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.

— Lạnh quá.

— Chạy mau lên cho ấm... thằng nỡm.

Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là thằng Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét tôi cũng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là mỗi lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.

Nhưng chỉ có gió một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết.

— Em được tám bó.

— Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.

Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.

Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho "khuất gió", khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.

Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy viết tiếp, trong lòng tự nhiên thấy đỡ chán nản. Ở ngoài, thỉnh thoảng có tiếng của đứa bé:

— Gió lên... lạy giời gió lên.
                                                   

Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng như sơn son. Tôi nhìn xuống đường. Hai đứa bé còn đứng đó. đương buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua. Chúng vui vẻ, nhưng tôi không thể dựa theo nét mặt chúng mà đoán được chừng ấy lá là nhiều hay ít.

Một người đi qua nhìn gánh lá bàng nói:

— Lá bàng này sưởi ấm lắm đấy.

Tôi quay lại nhìn lên bàn; suốt đêm tôi mới viết được lèo tèo vài trang giấy, lại dập dập, xóa xóa gần nửa. Tôi thất vọng.

Đối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã nổi lên, đã khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao. Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không?

Nhất Linh (1905-1963)
(Trích Lời tựa trong Đôi bạn)